Việt Nam thấy cơ hội gì từ nền tảng mới S.M.A.C?

Việt Nam thấy cơ hội gì từ nền tảng mới S.M.A.C?

Ngành CNTT thế giới đang sôi động với nền tảng công nghệ S.M.A.C được hình thành dựa trên sự hội tụ của 4 thành tố: S là Social tức là xã hội, M là Mobility là di động, A là Analytics là phân tích dữ liệu lớn, cuối cùng C là Cloud là điện toán đám mây.

Trước 2012, ngành CNTT-VT thế giới chủ yếu khai thác năng lực tính toán nhanh của máy tính giúp nâng cao tốc độ và hiệu suất công việc. S.M.A.C ra đời kết hợp mọi cấu thành trong nó một cách chặt chẽ với nhau và tạo thành một hệ sinh thái hoàn chỉnh, giúp máy tính có khả năng phân tích, có khả năng suy nghĩ và ngày càng tiệm cận đến tư duy con người. S.M.A.C đang tạo ra một cuộc cách mạng, một động lực phát triển mới và định hình xu hướng phát triển thông minh trên thế giới.

Tại Sự kiện Ngày Công nghệ thông tin 2014 (IT Day 2014), Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Minh Hồng cho biết “Trong hơn 10 năm qua, thế giới đã có những thay đổi căn bản, đang chuyển sang thời đại phát triển mới với đặc trưng chính là toàn cầu hóa và nền kinh tế tri thức, xã hội thông tin. Nền tảng cho sự biến chuyển của thời đại chính là sự bùng nổ và hội tụ của CNTT tạo ra động lực phát triển mới, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng. Các công nghệ di động, băng rộng, điện toán đám mây, dữ liệu lớn và mạng xã hội đang tao ra những xu thế phát triển thông minh trên mọi lĩnh vực. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức với mỗi quốc gia để nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo lập vị thế trong kỷ nguyên số. Sớm nhận thức xu thế này, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng, quan tâm tới việc đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT, đã ban hành nhiều văn bản, chính sách quan trọng trong lĩnh vực này”.

Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Minh Hồng

Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Minh Hồng
 

Tại hội nghị, PGS.TS. Trương Gia Bình đã chia sẻ một tầm nhìn SMAC. Ông cho rằng cuộc cách mạng công nghệ mang tên SMAC là cuộc cách mạng sẽ tạo ra sự thay đổi lớn hơn tất cả các cuộc cách mạng công nghệ mà nhân loại từng trải qua bởi vì cuộc cách mạng lần này tạo ra “trí tuệ nhân tạo” lập nên một thời đại mà ở đó mọi vật có khả năng kết nối, tương tác và đặc biệt là có khả năng tự học tập gần như con người.

Ông Mr Jonathan Krause - Cố vấn cấp cao của Gartner – một trong những hãng nghiên cứu công nghệ đầu tiên đưa ra xu hướng S.M.A.C với tên gọi Nexus of Forces, cho biết: thế giới đang chứng kiến sự phát triển bùng nổ của các thiết bị các nhân và các thiết bị kết nối internet (internet things). Năm 2009 chỉ có khoảng 1.6 tỷ thiết bị cá nhân và 0.9 tỷ thiết bị internet things. Năm 2020 dự kiến sẽ có 7.3 tỷ thiết bị cá nhân và 30 tỷ internet things. Với sự phát triển này, S.M.A.C đang có được điều kiện thuận lợi nhất để tạo ra một cuộc cách mạng kinh tế toàn cầu. Theo đó, kinh doanh dựa trên nền tảng kỹ thuật số (Digital business) là xu hướng toàn cầu. Các doanh nghiệp lớn đều xây dựng digital business như một lợi thế cạnh tranh cốt lõi giúp doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường của các doanh nghiệp trong thời gian tới.

Microsoft là hãng đã triển khai những dịch vụ dựa trên S.M.A.C như Azure là ví dụ tiêu biểu. Bà Hoàng Song Nga, đại diện Microsoft nhấn mạnh: “Hệ điều hành Windows Azure và gói dịch vụ Windows Azure đều nằm trong Tầm nhìn về đám mây của Microsoft hướng tới giải pháp đám mây lai giúp doanh nghiệp chuyển đổi cơ sở hạ tầng hiện tại một cách linh hoạt và tiết kiệm chi phí. Windows Azure giúp doanh nghiệp linh hoạt xây dựng và quản lý các ứng dụng tích hợp hiện đại một cách xuyên suốt, nhuần nhuyễn giữa các nền tảng, địa điểm, trên đa dạng thiết bị; giúp giải quyết việc phân tích thông tin chính xác hơn từ rất nhiều các dữ liệu cũ và mới, đồng thời hỗ trợ người dùng có thể làm việc ở bất cứ nơi nào, trên bất cứ thiết bị nào họ muốn.”

Giới công nghệ đánh giá Việt Nam có tiềm năng phát triển công nghệ S.M.A.C rất lớn khi tốc độ phát triển và hội nhập công nghệ của Việt Nam là rất mạnh mẽ. Xu hướng Mobility với các thiết bị di động thông minh và lượng người dùng Internet 3G sẽ tiếp tục tăng mạnh.

Các doanh nghiệp đang đầu tư lớn cho việc cung cấp các dịch vụ trên nền điện toán đám mây. Thêm vào đó, các dịch vụ truyền thông xã hội thực sự bùng nổ, đóng góp hơn 80% phương thức giao tiếp online, video online và nội dung số mobile. Đánh giá về xu hướng này, Ts. Hoàng Lê Minh, Viện trưởng Viện CNPM & NDS – Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay: “S.M.A.C có triển vọng rất lớn tại Việt Nam. Xu hướng này sẽ nhanh chóng lan toả sâu vào các ngành, các lĩnh vực của nền kinh tế. SMAC chính là một cơ hội để Việt Nam đi tắt đón đầu, đuổi kịp các nước phát triển trên thế giới trong kỷ nguyên số”.

Tuy nhiên, ông Minh cho rằng để ứng dụng và phát triển thành công SMAC tại Việt Nam, chính phủ, doanh nghiệp, các nhà khoa học cần có sự phối hợp, cộng tác chặt chẽ, hiệu quả hơn và cần xây dựng lộ trình phát triển dài hạn cho SMAC.

Nhấn mạnh về việc xây dựng hạ tầng tối ưu, Ts. Nguyễn Việt Hải, Phó Viện trưởng Viện KHCN VINASA, chia sẻ: “Chúng ta luôn hiểu rằng có được một hạ tầng CNTT, sẽ tạo được một nền tảng quan trọng và là tiền đề tốt cho các cơ hội phát triển bền vững toàn bộ các ứng dụng, giải pháp và dịch vụ vận hành trên nền tảng này… Tiêu biểu như tập đoàn Microsoft luôn có chương trình làm việc chặt chẽ với các chính phủ, cộng đồng, và các doanh nghiệp nhằm tối ưu hóa tối đa tiềm năng CNTT của các đơn vị và cộng đồng. Những doanh nghiệp tư vấn CNTT dầy dặn kinh nghiệm và có hệ sinh thái đa dạng, rộng lớn như Microsoft sẽ giúp chúng ta đẩy nhanh hơn tiến trình hiện đại hóa CNTT tại Việt Nam”

Năm 2014, chi tiêu CNTT toàn cầu ước đạt 3.800 tỷ USD, riêng khu vực châu Á – Thái Bình Dương đạt 767 tỷ USD, tăng 5,5% so với 2013 và dự kiến đạt 933 tỷ USD vào 2017. S.M.A.C là một trong những thành tố chính cho tăng trưởng nhanh này.

Ngày Công nghệ Thông tin 2014 lần đầu tiên được tổ chức đã thu hút gần 400 đại biểu trong đó có trên 150 đại biểu là lãnh đạo cao cấp, quản lý CNTT các Bộ, Ban, Ngành, và trên 250 lãnh đạo các doanh nghiệp và cơ quan truyền thông, báo chí. Dưới sự bảo trợ của Bộ TTTT và Bộ KHCN, Sự kiện Ngày CNTT sẽ được tổ chức thường niên tạo một diễn đàn khoa học công nghệ có chất lượng và uy tín cao.

Nguồn: Dân Trí

Tư vấn khác:

0902.804.084