Quản lí mạng xã hội, blog sẽ rất “nóng” trong năm 2013

Quản lí mạng xã hội, blog sẽ rất “nóng” trong năm 2013

Theo đại diện một số Sở TT&TT;, việc quản lí thông tin trên Internet tại địa phương đang rất lúng túng và đây sẽ là vấn đề nóng trong năm 2013 do một số quy định không rõ ràng và đối tượng vi phạm thường lợi dụng để "lách".

Quản lí mạng xã hội, blog sẽ rất “nóng” trong năm 2013
Đại diện Sở TT&TT Hà Nội cho biết, Sở rất lúng túng trong việc quản lí mạng xã hội do đối tượng vi phạm thường lợi dụng các kẽ hở của quy định để "lách".

Ngày 24/11/2012, phát biểu tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ năm 2013 của Bộ TT&TT, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội cho biết, trong vai trò cơ quan quản lí nhà nước, Sở rất lúng túng trong việc quản lí blog và mạng xã hội. Bởi vì, các đối tượng vi phạm thường rất am hiểu luật pháp và lợi dụng các kẽ hở của luật để "lách", trong khi một số quy định thường không rõ ràng như "thế nào là vi phạm thuần phong mĩ tục" hay "thế nào là chống phá Đảng và Nhà nước". "Do đó, dù Sở rất quyết liệt trong khi làm việc, xử lí đối tượng vi phạm nhưng quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn và không dễ giải quyết", ông Động cho biết thêm.

Vì thế, Sở kiến nghị Bộ TT&TT sẽ có thêm những giải pháp để việc quản lí blog, mạng xã hội và trang tin điện tử trên Internet đi vào nề nếp, nhất là những tiêu chí rõ ràng khi cấp phép.

Cùng quan điểm, ông Lê Thái Hỉ, Giám đốc Sở TT&TT Hồ Chí Minh cũng cho rằng, việc nâng cao năng lực quản lí thông tin trên Internet sẽ là vấn đề nóng trong năm 2013. Vì thế, chúng ta nên đưa đề án "nâng cao năng lực quản lí thông tin trên Internet" vào công tác năm 2013 để các địa phương dễ dàng quản lí các mạng xã hội, trang thông tin điện tử, blog cá nhân đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết Trung ương 4 về việc khắc phục tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống...

Theo ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), đối với việc quản lí Internet, Bộ TT&TT đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định về quản lí, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và nội dung thông tin trên mạng. "Sau khi Nghị định được ban hành, Bộ sẽ có Thông tư hướng dẫn chi tiết hơn", ông Hải cho biết thêm.

Trước đó, tại Hội thảo lấy ý kiến đóng góp của các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp có liên quan tới lĩnh vực quản lí, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet ngày 6/4, Thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Quý Doãn khẳng định, trên thực tế, để quản lí hiệu quả việc cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet vốn là một bài toán khó, cần lời giải hợp lí giữa vấn đề phát triển và quản lí của riêng Việt Nam mà nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng gặp phải.

Do Nghị định thay thế Nghị định số 97/2008/NĐ-CP đã được ban hành từ năm 2008 nên dự thảo Nghị định này có khá nhiều điểm thay đổi cho phù hợp với tình hình phát triển của dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet hiện nay. Vì thế, Nghị định này sẽ quy định chi tiết đối với việc quản lí, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet, tài nguyên Internet, trang thông tin điện tử, dịch vụ mạng xã hội trực tuyến, dịch vụ nội dung trên mạng viễn thông, dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng… thay vì chỉ quy định chi tiết về việc quản lí, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet tại Việt Nam như Nghị định 97 trước đây.

Ngoài ra, nếu như trước đây, điều kiện cấp phép, thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội được quy định riêng rẽ thì tại bản dự thảo này, ban soạn thảo đã gộp hai lĩnh vực vào chung một chính sách quản lí. Nhưng thời hạn của giấy phép hai hình thức này thì khác nhau. Với trang thông tin điện tử tổng hợp, thời hạn theo đề nghị cấp phép sẽ chỉ tối đa không quá 5 năm. Còn với mạng xã hội, thời hạn theo đề nghị cấp phép sẽ là tối đa không quá 10 năm. "Vì vậy, việc bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện các chế tài nhằm tạo hành lang pháp lí cho sự phát triển bền vững của Internet là việc làm cần thiết", Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn cho biết thêm.

Tư vấn khác:

0902.804.084